30/10/07

Làng - Nguồn Cội Của Người Việt

Làng từ ngàn đời nay là gốc rễ đất nước, là nguồn cội của mỗi người mà dấu vết của nó có thể đọc thấy ở những nét tâm hồn, ở lối sống, tiếng nói, phong tục... Dù ở đâu, làm gì thì mỗi người cũng từng từ một làng nào đó mà đi ra. Đến khi tuổi cao không làm việc nữa người ta lại muốn về làng. Những người sống xa làng khi nhắm mắt xuôi tay cũng muốn quay về yên nghỉ trên mảnh đất của làng. Những người Việt ở hải ngoại cũng ao ước được trở về để chết ở quê hương. Người ta yêu làng đến độ nói với nhau rằng: làng tôi, làng ta, làng mình. Sự ra đi và trở về làng của người Việt đều đáng quý, đều làm lợi cho đất nước, cho văn hoá làng Việt. Những danh nhân đất Việt từ Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Tản Đà... đều đã đi - về như thế.

Làng Việt lúa nước là đơn vị cơ sở bền chắc nghìn đời nay của kinh tế Việt Nam. ở đó, cây lúa, hạt thóc là biểu tượng của sự trù phú của làng, sự no ấm của người, là biểu tượng và thước đo sự hùng cường của quốc gia, dân tộc. Làng cũng có lệ làng còn gọi là hương ước cùng với phép nước (luật danh dự của làng, chào đón những người đỗ đạt vinh quy, coi đó là phúc trạch của làng. Lệ làng cũng tôn vinh những người có công với làng, với dân, với nước. Làng coi những người đó như những tấm gương để người đời ngưỡng vọng. Những người đó đã nâng cao danh dự của làng.

Dân số Việt Nam có tới 80% sống ở làng xã và làm nghề nông. Người ta học nghề bắt đầu từ làng. Trước hết là học làm ruộng để làm ra lúa gạo, hoa màu, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tức là học kỹ thuật và nghệ thuật của hai ngành chính trong sản xuất nông nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi, đã có từ ngàn đời nay. Người ta học để biết tháng chạp (tháng 12 âm lịch) là tháng trồng khoai, tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà, tháng ba cày vỡ ruộng ra, hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng...Nghề nông là nghề gắn với thời tiết mà được mùa hay mất mùa, vì thế người ta học để biết chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì dâm. Rồi họ học thêm nghề mộc, nề, đan lát, gốm sứ, chăn tằm, ươm tơ, làm bánh... những thứ cần dùng cho mọi làng. Những lão nông tri điền và những thợ cả trong các ngành nghề chính là những ông thầy được kính trọng ở những làng Việt xưa nay. Rồi người ta lại học chữ để có văn hoá. Những người giỏi thì đi so tài, đi lập nghiệp ở mọi miền đất nước, để trở thành nhân tài của đất nước, làm nên chuyện phi thường, lưu danh bảng vàng, bia đá thì đó là niềm tự hào của mọi làng, của đất nước.

Ngoài tri thức, những kinh nghiệm sống thông thường của người Việt cũng đều được học từ làng: một sự nhịn là chín sự lành, chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa không đời nào khê...

Khi thương mại phát triển thì ngành nghề thủ công cũng phát triển làm nên những phường nghề sản xuất những mặt hàng đặc trưng của làng nghề. Không một phường nghề nào ở các đô thị Việt Nam lại không có gốc gác từ một làng nghề nào đó. Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa La Khê, đúc đồng Ngũ Xã... đã làm nên phường Hàng Chiếu, Hàng Đào, Hàng Đồng, Hàng Bạc... của 36 phố phường Hà Nội cổ. Cho nên các tổ nghề rất được trọng vọng. Có thể nói, ngoài tục thờ tổ tiên, thành hoàng làng thì tục thờ các anh hùng dân tộc, thờ những người có công với làng xã, thờ các tổ nghề là những mỹ tục của người Việt.

Có thể nói, cha mẹ đã sinh ra mỗi người nhưng làng Việt, văn hoá làng Việt đã là cơ sở tạo nên tâm hồn, cốt cách mỗi người. Chính vì thế, khi nói đến một cá nhân nào đó học giỏi, có nhiều đóng góp về tri thức người ta thường nói người đó sinh ra ở một vùng đất có truyền thống hiếu học.

Không có nhận xét nào: