30/7/07

ĐỘNG PHONG NHA DI SẢN THẾ GIỚI

Giấu mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, Phong Nha giờ đây đã trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này một hệ thống hang động thật lộng lẫy với con sông ngầm được xác định là dài nhất thế giới.
Ðộng nằm ở vùng núi đá vôi Kẻ Bàng, cách thị xã Ðồng Hới 50 km về phía tây bắc. Từ Ðồng Hới, đi ô tô đến xã Sơn Trạch, sau đó đi thuyền trên sông Son, khoảng 30 phút thì đến động. Chỉ cách đây vài năm, đây còn là một con đường đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn. Nơi mà một thời bom đạn chiến tranh đã không chừa một tấc đất, một nhành cây, một ngọn cỏ. Nhưng giờ đây, chính con đường này đã thổi một luồng sinh khí mới cho bộ mặt của cả vùng núi hoang sơ này.
Nếu như đấng tạo hoá đã tạo ra con người thì hình như chính tạo hoá lại chở che cho chúng. Trải qua bao cuộc chiến, Ðộng Phong Nha vẫn còn đó, nguyên sơ như hàng triệu năm về trước.
Những làng quê yên bình nằm xen kẽ giữa những lùm tre thấp thoáng mái nhà nâu đỏ bên hữu ngạn sông Son. Những O thôn nữ đứng gọi đò bên bến nước, những chiếc thuyền đưa khách ngước xuôi, chào hỏi nhau bằng ngôn ngữ của nhiều vùng làm sống động cả bến sông. Thuyền cập bến cũng là lúc du khách bắt đầu một cuộc hành trình khám phá một mê hồn cung giữa chốn đời thường.
Ðộng Phong Nha có rất nhiều nhánh với chiều dài lên đến khoảng trên 20 km, nhưng hiên nay người ta mới khám phá nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm có tên là Nậm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất, nó chui ngầm dưới đất ở vùng núi Pu-Pha-Ðam cách đó hơn 20km về phía Nam. Trước cửa động, cảnh núi non sông nước càng thêm quyến rũ, thiên nhiên hùng vĩ với vô vàn hình ảnh kỳ thú hiện ra như khêu gợi trí tưởng tượng của con người. Người ta đã khéo đặt tên cho cảnh đẹp nơi đây là Ðộng Phong Nha (Ðộng Răng Gió). Vào mùa nước lớn. nước sông Son dâng cao che khuất cửa hang, thuyền du lịch không vào đây được. Tương truyền hơn một trăm năm về trước, ông vua trẻ Hàm Nghi đã ẩn mình ở đây cùng một số cận thần và ra lời kêu gọi Cần Vương.
Cửa động rộng khoảng 20 mét, cao 10 mét, có nhũ đá lô nhô. Bơi thuyền qua cửa hang, động rộng như một cái bát úp trên mặt nước. Nước sông trong veo và phẳng lặng như mặt gương, càng vào sâu ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn. Xen lẫn với tiềng mái chèo như có tiếng chiêng "bi ...tùng ...bi" vẳng lên, người bản địa cho rằng đó là âm nhạc trong tiệc riệu của Thần Núi vọng ra... tất cả hợp thành tiếng nhạc, lúc âm u như tiếng chiêng, lúc bập bùng như tiến trống. Ðộng chính của động Phong Nha gồm 14 buồng nối liền bởi một hành lang nước dài đến 1500m. Từ buồng thứ 14 ta còn có thể theo những hành lang hẹp khác đi vào sâu hơn nữa đến những buồng cũng to rộng không kém nhưng có phần nguy hiểm hơn, nơi mà quá trình phong hoá đá vôi vẫn còng tiếp tục. Thuyền ngược dòng độ 800m thì đến chỗ cạn gọi là Hang nước cạn: nước biến đi nhường chỗ cho đá cát. Nhũ đá từ trên rủ xuống, măng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ kịch thích trí tưởng tượng.
Phong Nha không giống như những điểm du lịch khác ở Việt Nam, động nằm trong khu rừng nguyên sinh Kẻ Bảng dường như còn nguyên sơ và tinh khôi. Trong con mắt của những vị du khách du lịch, những cư dân bản địa nơi đây mang một phong cách rất riêng "Họ cư xử thân thiện và tình cảm mang tính cách của người nông dân thuần kiết hơn là nhìn nhân du khách như là một cơ hội để tìm kiếm nguồn tài chính. Ðiều này càng làm cho Phong Nha thêm hấp dẫn khách du lịch".
Tháng 4 - 1997, một cuộc hội thảo khoa học về di tích danh thắng Phong Nha - Xuân Sơn được tổ chức tại Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu khảo sát cho biết Phong Nha có 7 cái nhất:
1. Hang nước dài nhất
2. Cửa hang cao và rộng nhất
3. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất
4. Hồ ngầm đẹp nhất
5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất
6. Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969 m)
7. Hang khô rộng và đẹp nhất.

MỸ SƠN DI SẢN THẾ GIỚI

Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70 km về phía tây nam, cách Trà Kiệu khoảng 10 km về phía tây trong một thung lũng kín đáo.
Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Chămpa. Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần Siva- Bhadresvara. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn.
Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ.
Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.
Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ XX này, 2 nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.
Tiền thân của quần thể kiến trúc Mỹ Sơn cổ kính này, theo căn bia để lại là một ngôi đền làm bằng gỗ để thờ thần Diva Bhadresvera. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ VI, một cơn hoả hoạn đã thiêu cháy ngôi đền gỗ. Bức màn lịch sử đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho ta thấy Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối tế kỷ IV đến thế kỷ XV. Bằng vật kiệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy loàng của văn hoá kiến trúc chămpa cũng như của Đông Nam Á
Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử... động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.
Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách; mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII; phong cách Hoà Lai thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX; phong cách Ðồng Dương từ giữa thế kỷ IX; phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh; phong cách Bình Ðịnh... Trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện (1898) có tháp cao tới 24m, trong khu vực Tháp Chùa mà các sách khảo cổ, nghiên cứu về Mỹ Sơn có ký hiệu là tháp cổ Chăm Pa, có 2 của ra vào phía Ðông và phía Tây. Thân tháp cao, thanh tú với một hệ thống cột ốp. Xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp 2 tầng toả ra như cánh sen. Tầng trên, chóp đá sa thạch được chạm hình voi, sư tử, tầng dưới, mặt tường là hình những người cưỡi voi, hình các thiên nữ thuỷ quái. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị không lực mỹ huỷ hoại trong chiến tranh, năm 1969.
Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phượng của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng đã được đưa về thành phố Ðà Nẵng xây dựng thành bảo tàng kiến trúc Chămpa. Tuy không phải là nhiều, nhưng những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hoá của một dân tộc, nhưng hơn thế nữa, có là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hoá

VỊNH HẠ LONG DI SẢN THẾ GIỚI

Nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106o58' - 107o22' kinh độ Ðông và 20o45' - 20o50' vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Ðảo của vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam (thuộc vịnh Bái Tử Long) và vùng phía tây nam (thuộc vùng vịnh Hạ Long) có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động. Ði giữa Hạ Long, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá, đảo thì giống hình một người đang đứng hướng về đất liền (hòn Ðầu Người), đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng), đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng), hòn Cánh Buồm, hòn Cặp Gà, hòn Lư Hương... Tất cả trông rất thực, thực đến kinh ngạc. Hình dáng những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo góc độ ánh sáng trong ngày và theo góc nhìn. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Ðầu Gỗ, động Sửng Sốt, động Tam Cung... Ðó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là kỳ quan đất dựng giữa trời cao. Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc với những địa danh nổi tiếng như Vân Ðồn - nơi có thương cảng cổ nổi tiếng một thời (1149), có núi Bài Thơ ghi bút tích của nhiều bậc vua chúa, danh nhân, xa hơn chút nữa là dòng sông Bạch Ðằng - nơi đã từng chứng kiến hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.. Không chỉ có vậy, Hạ Long ngày nay được các nhà khoa học chứng minh là một trong những cái nôi của con người có nền văn hoá Hạ Long từ Hậu kỳ đồ đá mới với những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Ðồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng... Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động, thực vật vô cùng phong phú trên rừng dưới biển, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.
Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản thiên nhiên, khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
I. Hang, Ðộng
Hang Ðầu Gỗ
Giữa non nước mây trời Hạ Long tuyệt mỹ, một chiếc hang mang tên vô cùng mộc mạc dân dã: hang Ðầu Gỗ. Hang nằm trên đảo Ðầu Gỗ, xưa đảo này có tên là đảo Canh Ðộc. Sách Ðại Nam Nhất thống chí có ghi "Hòn Canh Ðộc lưng đảo có động rộng rãi có thể chứa vài ngàn người, gần đó có hòn Cặp Gà, Hòn Mèo, Hòn La..." Sở dĩ gọi là hang Ðầu Gỗ, theo truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Ðạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Ðằng, có rất nhiều mẩu gỗ còn sót lại vì vậy động mang tên là hang Ðầu Gỗ. Từ phía xa nhìn lại, cửa hang có màu xanh lam hình một con sứa biển, qua 90 bậc đá xây ta tới cửa động. Nếu động Thiên Cung hoành tráng khoẻ khoắn, hiện đại thì hang Ðầu Gỗ trầm mặc uy nghi nhưng cũng rất đồ sộ. Cuốn Meivelle de Monde (kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938 chuyên về du lịch giới thiệu về các danh thắng nổi tiếng thế giới đã mệnh danh hang Ðầu Gỗ là Grotto des meivellis (động của các kỳ quan). Ðiều đó hoàn toàn chính xác. Hang được chia làm ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang là một bức "tranh sơn dầu" khổng lồ, trong đó vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đó là những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ... với những tư thế vô cùng sinh động. Phía dưới là một chú rùa đang bơi giữa bể nước mênh mông, những rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu với nhiều hình thù kỳ lạ tuỳ theo trí tưởng tượng phong phú của từng người. Ðứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ. Chính giữa lòng hang là một cột trụ chống trời khổng lồ, hàng chục người ôm không xuể, từ phía dưới chân cột lên trên được bàn tay điêu khắc tài tình của tạo hoá gọt rũa thành những hình mây bay, rồng cuốn, phượng múa, hoa lá, dây leo... Trên đỉnh cột, bất giác ta bắt gặp một vị tu sĩ mặc áo choàng thâm, tay phải cầm gậy tích trượng trong tư thế tụng kinh, niệm Phật. Qua ngăn thứ 1, vào ngăn thứ 2 bằng một khe cửa hẹp. ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa lạ,... tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò. Tận cùng hang là một chiếc giếng tiên bốn mùa nước ngọt trong vắt, chảy tràn trề quanh năm. Bất giác ta nhìn lên phía trên trong ánh sáng mờ ảo, ta nhận ra bốn xung quanh là bức thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến kỳ lạ, những chú voi đang gầm thét, người và ngựa chen chúc, gươm giáo mọc tua tủa, tất cả đang ở trong tư thế xông lên và bỗng dưng bị hoá đá chốn này. Năm 1917, vua Khải Ðịnh lên thăm hang Ðầu Gỗ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá, ông đã cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Ðầu Gỗ. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn ở phía bên phải cửa động.
Hang Sửng Sốt
Nằm ở khu vực trung tâm của Di sản thế giới vịnh Hạ Long, động Sửng Sốt trong đảo Bồ Hòn. Người Pháp đặt cho động cái tên grotto les suprices (động của những sửng sốt). Ðây là một hang động rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long. Mặt khác động nằm ở vùng trung tâm du lịch của vịnh Hạ Long (bãi tắm Ti Tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - động Sửng Sốt) và đây cũng là nơi tập trung nhiều đảo đá có hình dáng đặc sắc không nơi nào có được. Ðường lên động Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo, du khách vừa có được cái thú của người leo núi, vừa có cái háo hức như đang đi lên trời vậy. Ðộng được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn một như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ bằng một lớp "thảm nhung" óng mượt, vô số những "chùm đèn treo" bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá... tất cả dường như đang chuyển động trong một thế giới huyền ảo như thực như mơ. Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kì của tạo hoá, ta bước vào ngăn II bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, động mở ra một khung cảng mới hoàn toàn khác lạ, ngăn động rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người, ngay cạnh lối ra vào là một chú ngựa đá và một thanh gươm dài. Truyền thuyết xưa kể rằng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã giúp dân chúng ở đây đánh đuổi yêu ma, khi dẹp xong Thánh Gióng bay về trời và để lại thanh gươm và con ngựa quý để trấn an dân chúng, xua đuổi yêu quái. Hiện nay trong hang còn nhiều hình ảnh tự nhiên dường như là những dấu tích của trận chiến ác liệt đó, vết chân ngựa Gióng trở thành những ao hồ nhỏ xinh xinh cùng nhiều tảng đá to lớn vỡ vụn. Ði vào trong cảnh trí còn lắm điều kỳ lạ, như nhũ đá, cây đa cổ thụ tán lá xum xuê, chú gấu biển, khủng long... Tới đỉnh cao nhất của động, bất ngờ một khu "vườn thượng uyển" mở ra trước mắt, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, muôn loài cây như si, vạn tuế, đa cổ thụ cùng nhiều loài chim sinh sống. Những ngày đẹp trời, từng đàn khỉ kéo nhau xuống đây tìm hoa quả ăn làm náo động cả một vùng.
Hang Trinh Nữ - Hang Trống
Hang Trinh Nữ nằm trên dãy đảo Bồ Hòn cùng với hệ thống động Sửng Sốt, hồ Ðộng Tiên, Hang Luồn... Cách Bãi Cháy 15 km về phía Nam. Với người dân đánh cá, họ coi hang Trinh Nữ là ngôi nhà thân yêu của họ, còn những đôi trai gái yêu nhau lại coi đây là biểu tượng, nơi thề nguyện của tình yêu. Người Pháp xưa đặt cho hang cái tên Le virgin (động của người con gái). Truyền thuyết xưa kể rằng: Xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo, gia đình cô phải đi làm thuê cho tên chủ cai quản vùng đánh cá. Thấy cô xinh đẹp, hắn ép gia đình cô gả cô làm vợ bé cho hắn, cô không chịu vì cô đã có người yêu, chàng trai đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn bị cho ngày cưới của họ. Không làm gì nổi cô, tên địa chủ đã đày cô ra một đảo hoang nhằm khuất phục ý chí của cô, cô đói lả và kiệt sức. Trong một đêm mưa gió hãi hùng, cô gái đã hoá đá nơi đây. Ðó cũng là đêm chàng trai biết tin cô gặp nạn, chàng mải miết bơi thuyền đi tìm cô. Ðến đêm, giông bão ập đến thuyền chàng vỡ nát, chàng dạt lên một đảo hoang, trong ánh chớp, chàng nhìn ra phía xa và nhận ra cô gái nhưng những lời chàng gọi đã bị gió mang đi. Chàng dùng hòn đá đập vào vách núi báo cho nàng biết rằng chàng đã đến. Chàng gõ khi máu trên tay chảy đầm đìa, tới khi kiệt sức và chàng hoá đá (hang Trống ngày nay). Ngày nay, khi đến thăm hang Trinh Nữ, bức tượng cô gái đứng xoã mái tóc dài, đôi mắt đang nhìn về đất liền vẫn còn đó. Ðối diện với hang Trinh Nữ, hang Trống (còn được gọi là hang Con Trai). Bức tượng chàng trai hoá đá đang quay mặt về phía hang Trinh Nữ vẫn còn, những tiếng gọi tha thiết cùng tiếng gõ vào vách đá của chàng vẫn văng vẳng đâu đây. Những dấu tích của trận cuồng phong đêm đó vẫn còn đến ngày nay - đó là những đổ vỡ của đất đá ngổn ngang trong hang, tiếng gió gầm gào qua vách đá và những bọt sóng vẫn tung lên trắng xoá.
Ðộng Thiên Cung
Trong những hang động đẹp nổi tiếng vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây phải nói đến động Thiên Cung. Ðộng nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách bến tàu du lịch 4 km, trên đảo Ðầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển, có tọa độ 107o00'54" và 20o54'78". Ðảo Ðầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Ðộc có đỉnh cao 189 m, dãy đảo như một chiếc ngai ôm trong lòng mình hai hang động đẹp. Ðường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ um tùm, vào những đêm trăng, những chú khỉ tinh nghịch leo xuống tận đây để kiếm hoa quả. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130 mét. Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của tạo hoá. Ðộng gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa. Chuyện kể rằng sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình an tọa, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, đôi trai gái quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây. Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau, đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Ðể chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng giang rộng đôi cánh khổng lồ trên không trung... Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Ðẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt và vô cùng sống động. Tất cả những hình ảnh đó như vừa được hoá đá nơi này. Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó chạm nổi những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau chuốt tỉ mỉ. Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành... Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Ðó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Ðứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy.
Tới ngăn động cuối cùng, những luồn ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một vòi nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Ðây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ khôn lớn trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.
Ðộng Hang Hanh
Cách thị xã Cẩm Phả 9 km về phía tây, động Hang Hanh là một hang động đẹp và dài nhất so với các hang động hiện có trên vịnh Hạ Long. Ðộng có chiều dài 1300 m, chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển. Vì vậy, người Pháp còn đặt tên cho nó là Le tunel (đường hầm). Ði đến thăm động có thể bằng thuyền canos hoặc bằng xe ôtô, phải chọn vào lúc nước thuỷ triều xuống kiệt. Lúc ấy cửa động mới lộ rõ. Bên cạnh một phiến đá bằng phẳng chắn ngang ngay bên cửa động là miếu Ba cô. Truyền thuyết xưa kể lại rằng: Xưa có ba cô gái đi biển, gặp hôm trời mưa to, ba cô vào hang trú mưa, thấy cảnh sắc trong hang đẹp quá nên ba người càng mải miết ngắm cảnh, tới lúc nước triều dâng cao ba cô gái bị mắc kẹt ở trong và bỏ mình tại hang và hoá thành thuỷ thần. Truyền thuyết là vậy, thực tế động Quang Hanh đẹp hơn ta tưởng tượng rất nhiều. Con đò nhỏ dẫn du khách luồn lách qua từng khe đá quanh co dưới ánh đuốc bập bùng, từng chùm nhũ buông rủ xuống từ trần hang ánh lên những sắc màu kỳ diệu, dòng nước êm ả lững lờ trôi, không gian tĩnh mịch chỉ có tiếng mái chèo khua nước nghe thánh thót một thứ âm thanh kỳ ảo. Càng vào sâu, động càng đẹp, mang dáng dấp hoang sơ. Những chùm hoa đá rực rỡ, những trụ kim cương chợt ánh lên bao sắc màu óng ánh, khi ta chiếu đèn vào, những mâm xôi đồ sộ, chùm hoa mẫu đơn, giò phong lan cảnh... Tất cả đang ở trong tư thế vươn ra lay động rung rinh. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như đêm hội từ xa vọng lại. Ðó là tiếng sóng vỗ nhẹ vào vách đá tạo nên, và còn nhiều nữa những hình ảnh đẹp kỳ lạ.
II. Ðảo, Hòn
Núi Bài Thơ
Ngày trước núi có tên là Truyền Ðăng, núi cao 106 m đứng bên cạnh thị xã Hòn Gai, một nửa chân núi gắn với đất liền, nửa kia ngâm trong nước biển. Ði thuyền trên vịnh, cách bờ vịnh Hạ Long chừng 300 m đã có thể nhìn thấy bài thơ khắc trên vách núi trong một khung hình vuông, mỗi chiều dài 1,5 m.
Năm 1468, vua Lê Thánh Tông cũng là nhà thơ nổi tiếng khi đi kinh lý vùng Ðông Bắc, đã dừng chân trên vịnh Hạ Long ngay dưới chân ngọn núi nên thơ này. Xúc cảm trước thiên nhiên kỳ vĩ, nhà vua đã làm một bài thơ và truyền lệnh khắc vào vách núi. Từ đó có tên gọi là núi Bài Thơ. An Ðô Vương Trịnh Cương (1686 - 1730) cũng có một bài thơ ở núi này.
Leo núi Bài Thơ là một trò chơi đầy hấp dẫn. Ðứng ở lưng chừng núi phóng tầm mắt xa xa là biển xanh, đảo đá nhấp nhô, nhìn lên cao là trời mây bồng bềnh và xung quanh là cây, là hoa rừng, là những cánh chim ríu rít chuyển cành...
Hòn Ðỉnh Hương (Lư Hương hay Bình Phong)
Hòn Ðỉnh Hương nằm chắn ngang giữa con nước, nên rất giống tấm bình phong để che chắn. Khi thủy triều xuống, hòn Ðỉnh Hương để lộ 4 chân uốn khúc không khác gì án lư hương.
Hòn Gà Chọi
Ði qua hòn Ðỉnh Hương khoảng chừng 1 km, du khách sẽ nhìn thấy 2 hòn đá thật to như dáng 2 con gà đang giương cánh đá nhau trên mặt biển.
Hòn Ðũa
Hay còn gọi là hòn Ông, cách Bãi Cháy 15 km về phía đông. Ðây là ngọn núi đá cao khoảng 40 m có hình tròn trông như chiếc đũa phơi mình trước thiên nhiên. Nhìn từ hướng tây bắc, hòn Ðũa giống như vị quan triều đình áo xanh, đầu đội mũ cánh chuồn, hai tay chắp trước ngực, nên dân chài Hạ Long quen gọi là hòn Ông.
Hòn Yên Ngựa
Ðây là một ngọn núi nhỏ có dáng rất hùng vĩ, giống như một con ngựa đang lao mình về phía trước, bốn vó tung bay trên mặt nước.
Ðảo Khỉ
Ðảo ở cách thị xã Cẩm Phả 4 km về phía đông nam, còn có tên gọi là đảo Rều. Từ năm 1962, đảo đã trở thành trại chăn nuôi khỉ. Khỉ ở đây là loài khỉ mũi đỏ. Ðây là điểm tham quan của Hạ Long. Ðến đây du khách như được hoà mình với thiên nhiên, được sống với thế giới của "hoa quả sơn".
Ðảo Tuần Châu
Cách hang Ðầu Gỗ 3 km về phía tây, rộng khoảng 3 km2. Ðảo có tên như vậy do việc ghép hai chữ "Linh Tuần" và "Tri Châu" mà thành. Ðảo có trồng nhiều rau xanh, là nguồn cung cấp rau xanh cho thành phố.
Trên đảo còn có ngôi nhà đơn sơ làm bằng tre nứa, song mây của nhân dân tỉnh Quảng Ninh làm để chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi sau mỗi lần đi thăm vịnh. Hiện nay vẫn được gìn giữ bảo vệ làm nhà lưu niệm.
Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai một dự án lớn, biến đảo Tuần Châu thành một điểm du lịch đặc sắc của quần thể vịnh Hạ Long.
III. Bãi Tắm
Bãi Cháy
Dọc theo bờ vịnh Hạ Long là khu nghỉ mát thường quen gọi là Bãi Cháy. Ðây là khu nghỉ mát quanh năm lộng gió biển, nhiệt độ trung bình năm khoảng trên 20° C.
Bãi Cháy là một dải đồi thấp chạy thoai thoải về phía biển kéo dài hơn 2 km ôm lấy hàng thông cổ thụ nằm xen kẽ với những khách sạn cao tầng, những biệt thự nhỏ kiến trúc riêng biệt. Qua con đường rải nhựa, sát bờ vịnh là dải cát trắng và hàng phi lao xanh mát. Những hàng quán nhỏ xinh ẩn mình dưới những rặng phi lao. Tắm biển xong du khách có thể lên bờ ngồi thưởng thức những cốc nước mát lạnh để đón luồng gió biển.
Bãi Cháy - vịnh Hạ Long là một điểm du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước.

VIỆT NAM DI SẢN CỦA THẾ GIỚI

Thừa Thiên - Huế

Diện tích : 5 054 km2
Dân số (2002): 1 091 600 người.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Ðông, A Lưới và thành phố Huế.
Huế là một trong những vùng có nhiều di sản văn hoá. Ðến nay, không còn một vùng nào có một số lượng lớn các di tích mà những di tích này vẫn giữ được hình dạng vốn có của nó như ở cố đô này.

Ở bờ phía Bắc của sông Hương là một di tích gồm những lâu đài được xây dựng theo kiểu phòng thủ tạo thành một đường vòng cung dài 11km. Công trình quí giá này gồm hơn một 100 tác phẩm kiến trúc, đã thực sự phản ánh được cuộc sống của vua quan nhà Nguyễn. Giữa những quả đồi ở bờ Nam sông Hương là những lăng tẩm rất đẹp của các vua Nguyễn. Trong số đó nổi tiếng nhất là bốn lăng tẩm mà mỗi lăng được biết đến với cái tên phù hợp với tính cách của mỗi vua và kiểu kiến trúc của mỗi lăng. Ðó là lăng Gia Long uy nghi, lăng Minh Mạng oai phong, lăng Tự Ðức thơ mộng và lăng Khải Ðịnh tráng lệ.

Huế đồng thời còn là một trung tâm quan trọng của Ðạo Phật. ở Huế và những vùng lân cận vẫn còn tồn tại hàng chục chùa đã được xây dựng cách đây trên 300 năm và hàng trăm đền, chùa được xây dựng đầu thế kỷ.
Ngoài ra, Huế còn được xem như là nơi bắt nguồn của nhạc cung đình, là nơi có nhiều món ăn truyền thống nổi tiếng và nghề thủ công tinh xảo.

Là thành phố duy nhất trong nước vẫn còn giữ được dáng vẻ của một thành phố thời Trung cổ và nguyên vẹn kiến trúc của một nền quân chủ. Huế đã trở thành một bảo tàng lớn và vô giá. Chính vì vậy, chính phủ đã xếp hạng các di tích ở cố đô Huế như là một tài sản vô cùng quí giá và tháng 12 năm 1993 Huế đã được UNESCO xếp hạng là di tích văn hóa thế giới.