3/11/07

Đồ Trang Sức Của Phụ Nữ Việt Nam

Người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay đã biết chế tác đồ trang sức với trình độ nghệ thuật ngày càng hoàn mỹ. Thông qua hiện vật trang sức, người xem có thể hiểu được sự thay đổi đến mức tinh xảo trong cách làm đẹp của phụ nữ Việt Nam...
Ngay từ thời kỳ đồ đá (cách đây khoảng 3000-5000 năm), người Việt cổ đã biết lấy đá cưa, đục, khoan, mài, đánh bóng... thành đồ trang sức. Đồ trang sức bằng đá ngay từ thời kỳ này đã đạt đến trình độ kỹ thuật tinh xảo và mang tính thẩm mỹ khá cao. Khuyên tai bằng đá, vòng khuyên nhiều kích cỡ, bản tròn, dày hoặc dẹt, màu xanh rêu, trắng, ngà với các sắc độ khác nhau. Vòng tay bằng đá mang nhiều hình thù, kiểu dáng: hình tròn, hình lục lăng, hình chữ nhật, hình trái xoan; mặt đá làm khá mịn, màu sắc đa dạng: xanh đen, xanh biếc, hồng vàng...
Trải qua một thời gian dài, nghệ thuật chế tạo đồ trang sức ngày càng phát triển đến mức hoàn thiện. Đặc biệt là sau sự chuyển biến từ thời kỳ đồ đá sang đồ kim khí (cách đây khoảng 3000 năm). Đồ trang sức bằng đồng rất đa dạng, nhiều chủng loại, kiểu dáng từ đai đầu, trâm cài đầu đến vòng cổ, vòng tay, bao tay, vòng chân, bao chân, đai áo...
Những chiếc đai đầu gắn lông chim là trang sức thiêng liêng và quý giá, phụ nữ thường đeo mỗi khi nhảy múa, ca hát trong các dịp hội hè, lễ tết. Bao đai, bao chân ngày ấy còn gắn với quả chuông nho nhỏ, trong lúc đi lại sẽ phát ra âm thanh như reo mừng. Hình thức vòng cũng khá phong phú, có cái để trơn, nhẵn, có cái trang trí hoa văn đơn giản. Khuy áo bằng đồng dáng cong mềm, hai đầu uốn vào trong thân khuy, hoặc thon dần, đến hết đường lượn lại hướng ra ngoài, ở giữa gắn khuy móc tròn. Mỗi chiếc khuy đai áo có thể dài đến 14 cm.
Hàng chục chiếc gương đồng đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ là điểm nổi bật trong số các hiện vật trang sức phụ nữ niên đại thế kỷ XVI- XVII. Gương hình vuông, hình tròn, có tay cầm hình chữ nhật, có những chiếc gương chỉ là phiến đồng tròn, dày, trơn bóng.
Đồ trang sức của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ thể hiện rõ nét óc thẩm mỹ, sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người Việt xưa.

Con Rồng Cháu Tiên

Người Việt Nam ai mà không biết câu thành ngữ về huyền thoại cội nguồn dân tộc "Con Rồng Cháu Tiên". Thế nhưng không ít tuổi trẻ sinh ra và lớn lên, trưởng thành xa bối cảnh văn hoá và lịch sử dân tộc có thể sẽ không hiểu vì sao người Việt lại coi mình là hâụ duệ của Tiên Rồng. Xin được nói đôi điều về gốc gác Con Rồng - một vế của câu thành ngữ quen thuộc.
Căn cứ vào tư liệu sử sách, có thể rút ra những điểm cần lưu ý:
Sách Lĩnh Nam Trích Quái của Việt Nam thế kỷ 13 trong thiên truyện Hồng Bàng Thị, viết: "Dân sống ở rừng và chân núi xuống đánh cá thường bị Giao Long làm hại bèn nói với Lạc Long Quân. Vua đáp giống Sơn Man và giống Thuỷ Quái khác hẳn nhau. Giống thuỷ tộc yêu kẻ giống mình, ghét kẻ khác mình nên mọi người phải xăm mình theo hình Long Quân...

Sử sách Trung Hoa cổ đại và truyện quái lạ phía Nam núi Ngũ Lĩnh của Việt Nam đều ghi nhận tộc người Việt thời cổ sống giữa một vùng sông nước hoang vu có tục săm mình để chống lại sự bức hại của những loài thuỷ quái. Lạc Long Quân - ông vua huyền thoại trong huyền sử người Việt là biểu tượng của giống người hoá rồng. Ai cũng biết rằng hình tượng con rồng trong trường kỳ lịch sử phong kiến hàng nghìn năm biểu trưng cho quyền lực và sự tôn quý của Hoàng triều. Người ta thường nói mặt rồng để chỉ mặt vua, triều phục của nhà vua cũng thêu rồng và rồng chầu mặt nguyệt trở thành môtip trạm trổ trang trí cung điện, đền, đài. Thế nhưng trước đó hàng nghìn năm, vài nghìn năm, thời hồng hoang tiền sử, khi tộc người Việt còn săm mình hoá giao long dưới nước vừa để đồng hoá hoà nhập mình với thuỷ quái, vừa mong ước có dư sức mạnh thắng loài quỷ quái, thì hình tượng con rồng - loài rắn có vây có cánh có sức bay lượn vùng vẫy trên trời xanh trong trí tưởng tượng nguyên sơ của con người, có lẽ chỉ là sự tự tôn sức mạnh, tự tôn Lạc Long Quân - ông vua huyền thoại trong huyền sử của người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân dưới nước lấy bà Âu Cơ trên núi đẻ ra một trăm trứng nở ra một trăm người con, như sách Thuỷ Kính Chú thế kỷ thứ 6 mô tả là "con cái họ đều săm hình rồng và mặc áo có đuôi". Vua rồng dưới nước lấy tiên trên núi cao. Con Rồng, Cháu Tiên từ đó mà có. Cũng cần nói thêm rằng, huyền thoại vợ chồng Lạc Long Quân - Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm con nên hai chữ Hán Việt Đồng Bào - nghĩa cùng một bọc, trở nên quen thuộc trong ngôn ngữ Việt cho đến bây giờ.

"Con Rồng Cháu Tiên" - câu thành ngữ nói lên niềm tự tôn dân tộc về vẻ đẹp kiêu hùng của huyền thoại sinh ra giống nòi người Việt, có căn nguyên như vậy.

Cách xưng hô ở Việt Nam

Vấn đề này thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học, giáo dục học, nhưng dính dáng nhiều đến phong tục cổ truyền. Mới nghe tưởng đơn giản quá, đứa bé lên ba cũng biết. Quả vậy, trẻ con vừa học nói đã được cha mẹ, anh chị bày cho cách xưng hô, thế nhưng đến lớn đến già vẫn còn sai sót. Nhiều khi chỉ vì một sai sót nhỏ trong các xưng hô mà gây nên thành kiến nặng nề.
Đối với các nước khác châu á, đại từ nhân xưng có 3 ngôi: Người nói, người nghe và người, vật, sự việc được đề cập đến trong câu nói. Chỉ có sáu từ cơ bản nếu dịch mộc mạc ra tiếng Việt là: tao, mày, nó, chúng nó, chúng tao, chúng mày.
Ví dụ: "Bố mẹ cháu bảo cháu đưa ba cháu sang thăm hai cụ". Câu này nếu dịch từ đối ra tiếng nước ngoài thì như sau: "Chúng nó bảo tao đưa nó sang gặp chúng mày".
Ở Việt Nam ta đã quen từ nhỏ, đáng tuổi ông thì gọi là ông, đáng tuổi bác thì gọi là bác không đươc "mày tao chí tớ", "cá mè một lứa". Chúng ta nên thông cảm với người nước ngoài học tiếng Việt. Đại từ nhân xưng tiếng Việt rất đa dạng phong phú nhưng cũng rất phúc tạp, điều khó khăn phức tạp nhất là, ngay trong đại từ nhân xưng của ta đã mang sắc thái tình cảm, thể hiện sự yêu thương tức giận, kính trọng, khinh ghét, khách sáo, thân mật...
Trong cách xưng hô của ta có phân biệt tôn ti trật tự rõ ràng. Cháu bé hỏi rằng: Tại sao ông bảo cháu thưa bẩm, thế mà cháu gọi ông ông lại không thưa bẩm cháu. Cháu cũng không hiểu sao cha mẹ gọi con thì gọi thằng Giáp con ất được còn con gọi tên cha mẹ thì không được. Tại sao ông chú già rồi lại còn gọi là "ông trẻ".
Cách dùng từ để xưng hô của ta còn tuỳ thuộc vào mức độ thân sơ giữa người nói và người nghe. Ví dụ, thật thân tình bạn bè gọi nhau bằng mày tao, hắn thì quí; gọi nhau bằng thưa quí anh hoặc bằng ông thì coi như giễu cợt kích bác nhau. Ngược lại, mới quen biết sơ sơ mà mày tao thì coi như bất lịch sự, đôi khi nghe bực mình bỏ đi không thèm trả lời. Cụ già và Lão già đồng nghĩa nhưng khi nói "Tôi hỏi cụ già" thì rất khác "Tôi hỏi lão già". Cũng có trường hợp "lão" chưa hẳn đã già, mà là cách gọi thân mật.
Nếu có quan hệ họ nội, họ ngoại thì gọi theo quan hệ thân thuộc gắn bó tình thân thiết hơn; mặc dầu ít tuổi hơn mình nhưng ngang hàng cha mẹ mình thì gọi bằng chú, bác, cô, dì theo đúng vai vế trong họ. Ngược lại, đối với người đã lớn tuổi mặc dầu là bậc cháu nhưng để cho khỏi "chướng" nên gọi bằng anh, ông, bác ông... Coi như gọi thay con, cháu mình, như vậy thanh nhã và lịch sự hơn.
Thuần tuý quan hệ xã hội, không có quan hệ họ hàng nhưng theo phép xã giao "trưởng nhất tuế vi huynh, trưởng thập tuế vi phụ" (hơn một tuổi làm anh, hơn mười tuổi làm cha), tức là tôn lên ngang bằng với cha mà gọi chú, bác. Đây là phép tôn xưng

Tuổi trong khai sinh của người Việt , trong văn bằng không đúng với tuổi thật

Điều này cũng gây khá nhiều rắc rối, phức tạp cho các nhà khảo cứu sử học, biên soạn gia phả. Đã có trường hợp anh em cùng cha cùng mẹ sinh ra mà em nhiều tuổi hơn anh. Chỉ có lá số tử vi là chính xác nhất, chính xác đến từng giờ, nhưng ít người còn giữ được lá số tử vi, phần lớn ông bố bà mẹ chỉ nhớ được con mình câm tinh con gì, qua đó mà tính ra tuổi thực (tuổi mụ).
Như trên đã nói, có ba lý do khai bớt tuổi:
- Để chậm được vài năm khỏi phải đóng thuế thân và đi phu, đi lính.
- Dưới thời Pháp thuộc, để tránh hạn định quá tuổi không được đi học, không được thi.
- Do việc vào sổ họ chậm gần một năm còn việc vào sổ làng, hàng phe, hàng giáp, có khi chậm đến năm sáu năm.
Trường hợp nâng tuổi lên cũng có ba lý do nhưng không phổ biến lắm:
- Để nhanh đến tuổi lấy vợ (theo lệ "nữ thập tam, nam thập lục"). Nhiều gia đình muốn cưới con dâu về sớm để có kẻ ăn người làm và để sớm có cháu nối dõi tông đường.
- Dưới thời Pháp thuộc, các công sở không tuyển người dưới 18 tuổi nên phải khai tăng tuổi.
- Một số địa phương, có lệ làng cho tăng thêm tuổi để chóng đến tuổi lên lão mừng thọ

Tại sao khi mới đẻ chưa đặt tên chính?

Theo phong tục, một người từ sinh ra đế khi chết mang rất nhiều tên gọi: Mới lọt lòng thì thằng Cu, thằng Cò, con Hĩm, thằng Mực, con Cún, thằng Chắt em, con Chắt ả... thường là đặt tên xấu cho dễ nuôi, đến khi lớn lên thì anh Hai, anh Ba, chị Bảy... lấy vợ lấy chồng thì anh Nhiêu, anh Đồ, chị Xã...Có con gọi theo tên con, có cháu đích tôn gọi theo tên cháu, đến khi chết thì đặt tên hèm gọi là hiệu để cúng, người có học thì tự đặt tên tự, người có chức tước thì đặt tên thuỵ, người có chức tước học vị cao sang thường được xưng tôn theo họ, hay tên địa phương: Cụ án Mai, Cụ Tam Nguyên Yên Đổ, ông Trạng Trình, ông Tú Vĩ Xuyên, Quan Thám Nam Sơn... Đó là theo phong tục xưng hô của Trung Quốc. Trong nhiều tên gọi nhưng chỉ có tên huý là chính: Tên huý là tên đặt khi vào sổ họ, khi vào làng ghi trong sổ hộ, khi đi học đặt khi vào sổ họ, khi vào làng ghi trong sổ hộ, khi đi học.
Tại sao mới đẻ chưa đặt tên chính (tên huý)?
Ngày nay đẻ ra là khai sinh, có thủ tục quản lý hộ tịch chặt chẽ. Ngày trước mỗi làng xã cũng có hương hộ lo sổ sách sinh tử, giá thú nhưng không quản lý chặt chẽ, Nhà nước chỉ quan tâm đến sổ đinh (từ 18 tuổi), sổ điền để thu thuế và bắt lính, bắt phu, vì vậy vào sổ làng càng muộn càng hay, lớn lên đỡ được vài năm thuế thân, phu phen tạp dịch.
Trong xã hội cũ, tình trạng hữu sinh vô dưỡng khá phổ biến, ít có gia đình sinh năm đẻ bảy được vuông tròn, vì vậy qua các tuần cữ mới tạm yên tâm, khi đó mới đặt tên huý.
Các họ mỗi năm tế tổ một lần. Trong dịp tế tổ, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tiên tổ và vào sổ họ cho các con trai trước lễ yết cáo, ngày đó mới có tên huý chính thức, được họ hàng công nhận. Trong khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm huý thì phải đổi tên. Không những phải tránh phạm huý tổ tiên bên nội mà còn phải tránh phạm huý can cụ ông bà ngoại mặc dầu khác họ, tránh phạm huý hiệu của thành hoàng, thánh mẫu, linh thần từng địa phương. ở nông thôn, các vị có uy vọng trong làng, trong họ thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con. Người đặt tên được gia đình đó nhớ ơn suốt đời.

Đạo Hiếu Của Người Việt

Hiếu theo quan niệm thời xưa khác thời nay như thế nào?
Các bạn biết chữ Hán thấy rõ: Chữ "Hiếu" là chữ viết tắt của hai chữ "Lão" ở trên (lượt bớt phần dưới) và chữ "Tử" ở dưới. "Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Đọc bài "Đạo hiếu" của Nhất Thanh (Tr.331 cuốn "Đất lề quê thói"- NXB Đồng Tháp) cùng với một số bài nói về lễ Mừng lão,Yến lão, tôi rất nhất trí và không lặp lại, chỉ xin nói thêm vài lời.
Đạo hiếu xuyên suốt trong mọi phong tục của nhân dân ta, không thể không nói đến chữ hiếu khi viết về phong tục cổ truyền của ta. Lễ tế, lễ tang, lễ cưới, kể cả sinh đẻ, xây nhà dựng cửa, hội hè đình đám, việc nước, việc làng, thuần phong mỹ tục đã đành mà trong số những phong tục đã lỗi thời, ngày nay bị xếp vào loại đồi phong bại tục, ta cũng chắt lọc được một phần tinh hoa của đạo hiếu.
"Hiếu" là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi đức tính. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng, trong "Luân lý giáo khoa thư" các em đã hiểu: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"... Những chân lý đó, ai không chấp nhận, song quan niệm về chữ "Hiếu" ngày nay cũng có phần khác thời xưa.
Đến đây lại chuyển sang mục tranh cãi giữa tôi và chú em về quan niệm chữ "Hiếu" thời xưa vàc thời nay.
- Thời nay lớp trẻ chẳng biết "Chín chữ cù lao" là cái gì. Công ơn mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn tốn bao nhiêu tâm lực, đến nay chúng nó có lớn mà chẳng có khôn.
- Tôi phàn nàn - Đã thế còn hỗn láo, bướng bỉnh...
- Đó chẳng qua là cái món nợ đồng lần, mình nuôi con rồi nuôi cháu cũng thế. Lớp trẻ bây giờ nhiều người nói ngược: "Sinh ra ta, nuôi ta lớn lên, đó là trách nhiệm của các ông bô bà bô". Có đứa còn trách bố mẹ: "Sao người ta ăn sung mặc sướng, được chiều chuộng. Bố mình thì "Khắt khe", "Ky bo' mà còn kể ơn huệ!" - Chú em tôi kể thêm.
Đối với những ông bố bà mẹ có những đứa con như vậy, quả thật là bất hạnh, song cũng phải khẳng định số người đó rất ít, vả lại khi đến tuổi trưởng thành, được tiếp thu sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và qua khảo nghiệm thực tế của cuộc đời, chúng sẽ thay đổi tính tình. Bố mẹ bao giờ cũng sẵn sàng tha thứ, nước mắt chảy xuôi là lẽ thường tình.
Bàn đến câu ca dao: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư", rồi "Trứng khôn hơn vịt"... được dịp, con cả tôi xen vào:
- Con xin phép cha mẹ và chú, con cãi cha mẹ không phải trăm phần trăm con hư cả. Nếu cha mẹ nghĩ sai làm sai, con can ngăn thì đó có phải là bất hiếu đâu!
Ông chú gật gù tán thành:
- Cháu nói có lý. Câu "Con cãi cha mẹ trăm phần con hư" chỉ đúng khi đứa con còn thơ ấu, chứ khi đã trưởng thành có nhiều cô cậu còn khôn hơn cha mẹ. "Con hơn là nhà có phúc" mà ! Thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến vùn vụt, tư duy chính trị, kinh tế bây giờ cũng đổi mới mà cánh già chúng ta thường hay thủ cựu, bảo thủ cố chấp. Âu cũng là mâu thuẫn giữa hai thế hệ...
- Theo chú, câu tục ngữ "Có con tội sống, không có con tội chết" có đúng không?
- Đúng thời xưa nhưng không đúng thời nay. Thời xưa có câu "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (có 3 điều bất hiếu với cha mẹ, trong đó không có con là điều nặng nhất). Cha mẹ ông bà tuy đã qua đời nhưng không còn sống trong ta, nếu ta không có con thì sau khi ta chết, ta cũng làm tiêu tan nốt giòng máu của bao đời tổ tiên, ông cha lưu lại. Nhưng còn tội sống thì sao ? Có ít người cho rằng nuôi con chẳng qua chỉ mang thêm tội vạ. Đã vậy sao nhiều người ghét con lại thương cháu. Có lẽ họ nghĩ rằng chon họ đã không nối được nghiệp cha ông thì hy vọng cháu mình sẽ nối.
Trong cuốn "Một nghìn lẻ một đêm" một nhà thông thái đã trả lời đám đông: "Nỗi khổ nhất và dai dẳng nhất trên đời là có đứa con hư". Nhưng còn một mặt khác, mà là mặt tích cực và phổ biến "Con khôn nở mặt mẹ cha" "Một con một của", có ai từ. Gặp nhau người ta hỏi thăm nhau: "Mấy trai máy gái rồi ?", chứ có hỏi: "Mấy của rồi ?"đâu. Còn như câu "Trẻ cậy cha, già cậy con" ngày nay liện còn đúng không ?