29/10/07

Cái nhìn mới về Việt Nam

BBC phỏng vấn giáo sư Keith Weller Taylor, giảng dạy môn lịch sử Việt Nam tại đại học Cornell, Hoa Kỳ xoay quanh một số quan điểm mới của giới nghiên cứu nước ngoài nhìn về Việt Nam.
Keith Taylor: Lịch sử chính trị của người Việt từ thế kỉ 15 đến bây giờ chủ yếu là lịch sử đấu tranh giữa những địa phương. Hiện nay ở Việt Nam chính phủ rất muốn nói rằng lịch sử Việt Nam là một lịch sử thống nhất và người Việt Nam là một cộng đồng thống nhất. Nhưng thật ra theo tôi, về quan điểm lịch sử thì điều đó không đúng.
BBC:20 năm trước, ông xuất bản cuốn sách tên "Sự khai sinh của Việt Nam" nói về sự quan hệ lịch sử giữa tổ tiên người Việt và Trung Quốc. Từ đó đến nay quan điểm nói chung của ông có gì thay đổi?
Keith Taylor: Quyển sách của tôi in 20 năm trước rồi. Trước kia tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, tôi đã nghĩ rằng không có quan điểm quan trọng gì giữa thời cận đại và thời quá khứ. Tôi đã nghĩ rằng chúng ta có thể nói về người Việt trong những thế kỷ trước kia như ta nói về người Việt hiện nay. Nhưng bây giờ tôi không nghĩ như thế nữa.
So sánh với thời cận đại thì thời quá khứ thật là kỳ lạ. Người Việt thế kỷ thứ 13, 15, 17 không giống người Việt thế kỷ thứ 20. Cho nên tôi nghi ngờ về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính trị muốn dùng chuyện lịch sử để giảng dạy và tuyên truyền dân chúng phải theo chính sách quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử bị chính trị hóa, không là lịch sử khoa học.
BBC:Vì sao ông cho rằng không khó khăn để nói nhiều nhân vật lịch sử như vua Hùng, Lê Lợi, Hai Bà Trưng là người Việt mà cũng là người Mường.
Keith Taylor: Trước thế kỷ 20, những người mà hiện nay ta gọi là người Kinh hay người Mường đã bị không bị phân biệt. Tất cả những người này đã cư trú trong một khu vực chính trị. Rất nhiều người có vai trò quan trọng trong lịch sử như Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lê Lợi đã ở những vùng mà hiện nay ta gọi là những địa phương người Mường.
BBC:Ông có viết là ngày xưa người Mường nhận diện bản thân họ và các dân tộc khác dưạ trên các địa danh nhưng ngày nay họ trở thành một sắc dân thiểu số. Ông có giải thích ý này được không?
Keith Taylor: Năm 1925, tạp chí Nam Phong đã in hai bài về người Mường. Một là do một người Mường đã viết, bài này không dùng thuật ngữ Mường mà chỉ nói về văn hoá tỉnh Hòa Bình và nói về những thế hệ lãnh đạo gọi Quan Lang bao gồm Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn... Quan Lang là tước hiệu của người lãnh đạo trong những địa phương hiện nay ta gọi vùng người Mường.
Bài thứ hai do một người Kinh viết, và bài này hoàn toàn về người Mường - người Mường là thế nào, ý kíên dân tộc Người Mường trước thời Pháp thuộc thường gọi mình là người của chỗ này, chỗ kia...không bao giờ gọi mình là người Mường. Người Pháp đến muốn thống nhất hiểu biết về mọi loại người để đơn giản hóa hành chính và dễ cai trị. Và người Kinh đã theo xu hướng này cho nên rất nhiều loại người ở vùng trung du từ sông Hồng vào miền Trung bị thống nhất dưới tên người Mường. Chương trình phân loại người ra các dân tộc thiểu số là phát minh của chính phủ cận đại, chính phủ thuộc địa Pháp hoặc là chính phủ quốc gia Việt Nam.
BBC:Nhiều người vẫn hay cho rằng Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm nhưng gần đây một số nhà nghiên cứu, trong đó có ông cho rằng có nhiều khả năng quy nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh và khởi nghĩa là do các xung đột nội bộ trong từng vùng giữa các dân tộc nói tiếng Việt. Ví dụ ông có nói chiến dịch chống nhà Minh của Lê Lợi có thể được hiểu là một cuộc chinh phục của vùng Thanh Nghệ nghĩa là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đối với vùng Đông Kinh, tức là đồng bằng sông Hồng. Ông có giải thích ý này không?
Keith Taylor: Lúc đó phần nhiều người ở các vùng xung quanh Hà Nội tức là Đông Kinh theo chính trị của người Minh. Nguyễn Trãi là người Bắc thường, và ông phải chạy đến Thanh Hóa. Hơn 9000 người Đông Kinh đã làm việc cai trị cho người Minh. Nguyễn Trãi viết thư cố thuyết phục họ bỏ người Minh theo Lê Lợi. Người Đông Kinh nhìn Lê Lợi như một kẻ nổi loạn nhà quê. Sau khi Lê Lợi nắm quyền, những người này bị gọi là ngụy quan và bị phạt nặng.
BBC:Nhưng người ta hay nói mối quan hệ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi như một ví dụ cho sự đoàn kết giữa các vùng?
Keith Taylor: Nhà sử muốn nói rằng VN là một nước thống nhất, không có Đông Kinh và Thanh Nghệ. Nguyễn Trãi là người Đông Kinh và Lê Lợi là người Thanh Nghệ, vì thế việc hai người này trở nên đoàn kết sẽ chứng minh cho sự thống nhất của đất nước. Nguyễn Trãi là một nhà thơ tài năng, nhưng vai trò của ông về mặt chính trị và quân đội thì khá mờ nhạt. Lê Lợi và các tướng lĩnh khác chỉ muốn dùng tài năng thơ văn của Nguyễn Trãi để tuyên truyền và vận động dân chúng đứng về phía mình.
BBC:Ông nhìn về cuộc Nam tiến và nhân vật Nguyễn Hoàng như thế nào?
Keith Taylor: Nam tiến là một thuật ngữ lịch sử cận đại, là một học thuyết để khẳng định từ Bắc vào Nam chỉ có một nước và một người. Đây là sự tuyên truyền của chủ nghĩa quốc gia, muốn phủ nhận những sự khác nhau giữa miền Nam và miền Bắc và muốn nói rằng văn hóa miền Nam chỉ có một nguồn. Và nguồn này phải ở miền Bắc, tức là lý do cho phép miền Bắc đô hộ miền Nam để giảng dạy người Nam thế nào là một người Việt Nam thật sự.
Nguyễn Hoàng đã bỏ miền Bắc để xây dựng ở biên giới Nam. Nguyễn Hoàng đã có chính sách mở cửa về buôn bán nước ngoài, đã dùng người có khả năng. Tôi không có ý định thần tượng hóa Nguyễn Hoàn của tự do miền Nam. Trong lịch sử quốc gia Việt Nam hiện nay, Nguyễn Hoàng không được đánh giá cao bởi vì vai trò lịch sử của ông không hợp với học thuyết thống nhất quốc gia của chính phủ.
BBC:Ông có cho rằng cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn có phải là cuộc chiến giữa hai quốc gia hay không?
Keith Taylor: Tôi nghĩ rằng trong hai thế kỷ 17 và 18 Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai nước. Vì sao Việt Nam phải là một nước thôi là vấn đề chiến tranh và chính trị, không là vấn đề lịch sử, xã hội và văn hóa.
BBC:Tại sao ông nói cuộc xung đột trong hoàng cung sau cái chết của vua Tự Đức năm 1883 có thể xem là một cuộc xung đột giữa Thuận Quảng và Thanh Nghệ?
Keith Taylor: Lúc người Pháp nắm quyền ở Huế, phần nhiều nhà nho trong địa phương Huế đã theo chính sách Pháp nhưng nhiều người lãnh đạo phong trào Cần Vương là người Thanh Nghệ. Cái này chỉ là tiếp tục của vấn đề tranh chấp giữa hai vùng này đã có từ lâu rồi trước khi người Pháp đến.
BBC:Theo cách kể của ông, tôi cảm thấy rằng những người ở vùng Thanh Nghệ luôn có sẵn tinh thần chống ngoại xâm. Tại sao lại như vậy?
Keith Taylor: Người Thanh Nghệ nghèo và khổ sở, cho nên rất dễ đi lính. Chúa Trịnh đã động viên phần nhiều lính ở Thanh Nghệ. Trong thời Chiến tranh thế giới I, phần nhiều người Việt tình nguyện sang Pháp đi lính hay làm việc là người Thanh Nghệ. Người Thanh Nghệ cũng rất dễ nổi loạn. Năm 1957 cũng có nhiều người nổi dậy chống sự áp bức. Vấn đề này không có quan hệ gì đến lòng yêu nước.

Nhận định về bất bình đẳng xã hội ở VN

Sau 30 năm, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Nhưng đồng thời, khoảng cách xã hội cũng tăng theo.
Viết trong một cuốn sách in năm 2004 về bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét các mức chênh lệch ở VN hiện nay có thể nhìn thấy qua khía cạnh giai cấp, khu vực, giới tính và sắc tộc.
Philip Taylor, ĐH Quốc gia Úc, viết trong lời giới thiệu của cuốn "Social
Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform" rằng "Đứng đầu trong các thay đổi mà Việt Nam đã trải qua gần đây là việc cởi trói cho vai trò kinh tế tư nhân, hoạt động thương mại sâu sắc thêm, cùng việc hòa nhập nền kinh tế tư bản toàn cầu."
"Mặt khác, một trong những thay đổi thử thách nhất tại Việt Nam thời cải tổ là sự xuất hiện của bất bình đẳng xã hội."
Khái niệm 'bất bình đẳng xã hội' ở đây được hiểu là các khác biệt giữa người dân trong phúc lợi, vị trí xã hội, hay khả năng tác động đến người khác. Nó cũng liên quan đến những khoảng cách trong khả năng bảo đảm một tương lai tốt hơn, để con cái, gia đình có cuộc sống đảm bảo.
Đa số các ghi nhận đều cho rằng bất bình đẳng xã hội đang tăng và ngày càng dễ thấy hơn ở Việt Nam.
Tổng quan
Bức tranh về bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam có thể vẽ lại dựa trên nhiều công thức định lượng.
Ví dụ về khác biệt thu nhập: Một phân tích của Tổng cục thống kê năm 2002 nói rằng một người trong số 10% giàu nhất VN có thu nhập trung bình gấp 12.5 lần một người trong số 10% nghèo nhất. Các gia đình trong số 5% giàu nhất kiếm gấp 20 lần so với gia đình của 5% nghèo nhất.


Sự chênh lệch thu nhập ngày càng mở rộng

Một nghiên cứu khác năm 2001 tính toán rằng 20% hộ gia đình giàu nhất có mức chi tiêu cho y tế cao gấp bảy lần so với các hộ còn lại. Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo có thể có nguy cơ suy dinh dưỡng cao gấp 7.5 lần so với trẻ em giàu.
Một khoảng cách lớn trong mức sống có thể tìm thấy giữa vùng đô thị và nông thôn. Thậm chí các khoảng cách lớn hơn lại tồn tại giữa các khu vực địa lý. Ví dụ, năm 1998, thu nhập đầu người ở khu vực sung túc nhất của VN, vùng Đông Nam Bộ (bao gồm TP. HCM) cao gần gấp đôi so với vùng đồng bằng sông Hồng (bao gồm cả Hà Nội), và cao gần gấp ba khu vực miền núi phía bắc. Sự chênh lệch thu nhập cũng có ngay trong khu vực Đông Nam Bộ, nơi mà vào năm 2002, 5% hộ gia đình giàu nhất có thu nhập cao gấp 25 lần so với 5% nghèo nhất (chủ yếu ở ngoại thành và nông thôn).
Ngày nay, cảm nhận chung về Việt Nam là chưa bao giờ trong lịch sử đất nước số lượng người đủ khả năng đi du lịch, du học, làm giàu lại nhiều như thế. Tuy nhiên, những thay đổi to lớn này chỉ hạn chế trong một lượng người sống tại thành thị.
Các khảo sát cho thấy trong những năm gần đây, khoảng cách giữa người giàu và người cô thế trong khả năng tiếp cận các yếu tố giúp họ tiến thân ngày càng nới rộng. Đa số nhà quan sát đồng ý rằng Việt Nam của thập niên 1980 là một xã hội quân bình hơn. Các chính sách nhà nước khi đó cố gắng phá bỏ sự tập trung của cải, giải quyết khác biệt nông thôn – thành thị và xóa bỏ di sản văn hóa của các chế độ trước, để tạo ra điều mà được mô tả là một ‘sự nghèo nàn chung’ và một không gian văn hóa đơn điệu.
Kể từ khi cải cách tăng tốc trong đầu thập niên 1990, khoảng cách xã hội cũng tăng theo. Và ở một mức độ nhất định, sự khác biệt xã hội không chỉ đơn giản tăng lên, mà còn thay đổi hình thức. Trước đây, nền tảng giai cấp là yếu tố quyết định việc đưa một người đi du học hoặc thăng chức. Đến giữa thập niên 1990, khi sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế đã giảm đi, thì quyền lực chính trị hay chuyện móc nối quan hệ vẫn còn được xem là nền tảng quyết định cho việc thu hút vốn hay né luật.
Ngày hôm nay, theo Philip Taylor, người ta không còn có thể tự tin nói rằng điều này vẫn giữ nguyên. Nếu quan sát khu vực Đông Nam Bộ vốn phát triển nhanh nhất nước, người ta thấy ‘vốn chính trị’ (vào đảng, có quá trình cống hiến trong chiến tranh) cũng phải cạnh tranh với các nhân tố như khả năng tài chính, học vấn, khả năng kinh doanh, có người thân ở nước ngoài...Nhiều người từ miền Bắc đã dựa vào uy tín đóng góp trước đây cùng việc tạo dựng quan hệ với người thân trong Nam để có vị trí trong doanh nghiệp nhà nước hay các khu vực kinh tế trọng yếu. Nhưng đồng thời, những người thiếu vốn chính trị cũng ăn nên làm ra, dựa vào tiền thân nhân gửi về, học vấn, truyền thống kinh doanh gia đình...
So sánh với khu vực
Nếu nhìn trên bảng xếp hạng các quốc gia theo thu nhập đầu người năm 2003 của UNDP, người Trung Quốc giàu gấp đôi người VN, người Chi Lê giàu gấp 10 và Na Uy cao gấp 100 lần.
Ở khía cạnh tích cực hơn, kinh tế VN trong thập niên 1990 tăng trưởng cao gấp ba lần so với các nước trong tổ chức OECD, vào một thời điểm khi mà đa số các nước ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Nam Á phát triển thua sút các nước trong OECD. Nếu tính về chênh lệch trong nước, VN cũng còn tốt hơn tình hình ở Mỹ.
Các chênh lệch ở Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh chênh lệch trên toàn cầu ngày càng tăng. Sự chênh lệch ở VN cần được hiểu trong bối cảnh này, khi một phần năm dân số thế giới đã sở hữu 86% thu nhập của toàn hành tinh (UNDP 2000).
Một kịch bản mà VN có thể đi theo là bắt chước con đường của các nước trong vùng như Nhật, Nam Hàn và Đài Loan, những nước đã tăng trưởng nhanh đồng thời có mức độ phân phối tương đối đồng đều ở các khía cạnh như thu nhập, giáo dục và y tế. Dù có nhiều vấn đề, Trung Quốc cũng vẫn là một mô hình trong số các nước hậu cộng sản. Chẳng hạn, Trung Quốc đã bảo vệ hệ thống giáo dục, y tế và khoa học của họ tốt hơn nước Nga.
Trong một số lĩnh vực, lại có thể so sánh VN với các nước Đông Nam Á. Tỉ lệ học sinh nữ so với nam của VN ở mức cao tích cực, tương tự Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Nhưng VN cũng đang trải qua nhiều vấn đề tương tự các nước. Người ta chỉ cần nhìn vào Miến Điện và Indonesia để thấy các trường hợp khi việc thiếu khả năng hòa nhập về chính trị - kinh tế đã dẫn đến xung đột sắc tộc và tôn giáo.
Thách thức cho nhà nước
Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện từ phong trào chống thực dân hướng đến mục đích chống những bất công của chế độ thuộc địa Pháp. Những nhân vật chống thực dân người VN đã bóc trần bản chất hai mặt của chế độ thuộc địa, tính chất bóc lột và sự thối nát của bộ máy.
Đa số các nhân vật đứng đầu phong trào là người thuộc giai cấp tiểu tư sản thành thị lớn lên trong chế độ thuộc địa.
Một phần lý do giúp Đảng Cộng sản thắng lợi trong công cuộc chống Pháp là vì những người lãnh đạo đã vượt qua được những thành kiến của người thành thị và khai thác sự bất mãn của nông dân – những người cùng cực và chiếm đa số trong dân chúng. Các chính sách như chiến dịch cải cách ruộng đất thập niên 1950, hay việc đưa nông dân vào bộ máy viên chức, và quốc hữu hóa tại miền Nam sau 1975 có vẻ là bằng chứng chứng tỏ mối quan tâm của Đảng về vấn đề thiết lập sự bình đẳng.
Tuy nhiên, những chính sách như vậy cũng còn có thể được nhìn theo một ánh sáng khác – như một phương tiện để đạt mục đích củng cố sự kiểm soát lên toàn lãnh thổ. Cải cách ruộng đất, tập thể hóa, dẹp bỏ tư hữu tại miền Nam trên thực tế đã phá bỏ cơ sở kinh tế và xã hội của các thế lực chống lại nỗ lực tập trung quyền lực của đảng. Những biện pháp này giải tỏa nguồn tài nguyên, để rồi chúng được phân phối lại cho những thành viên nghèo hơn trong xã hội để đảm bảo họ ủng hộ cho các mục tiêu của nhà nước.
Theo sự phân tích này, thì mục tiêu chính của người cộng sản không nhất thiết là xây dựng một trật tự xã hội bình đẳng, mà là củng cố sự kiểm soát xã hội. Diễn giải này giúp giải thích sự khoan dung của đảng đối với vấn đề thu vén của cải hiện nay, nhưng đồng thời rất nhạy cảm đối với những trường hợp khi điều này đe dọa quyền lực của nhà nước.
Nó cũng giải thích việc thường có các biện pháp kịp thời chống lại các cuộc tập hợp phản đối sự bất bình đẳng sắc tộc, vùng miền hay tôn giáo. Những cuộc phản đối như thế dù xuất phát từ những bất bình hợp lý, nhưng chúng diễn ra theo cách mà đảng lo ngại có thể bị các nhóm đặt ở nước ngoài sử dụng cho một nghị trình gây chia rẽ chính trị.
Học giả Lương Văn Hy, ĐH Toronto, có phát triển một cách giải thích dựa trên cơ sở văn hóa quanh định hướng của Đảng Cộng sản đối với vấn đề bất bình đẳng. Ông cho rằng động lực tập thể trong chủ nghĩa cộng sản VN có nguồn gốc trong cách nghĩ truyền thống về đạo đức xã hội. Một ví dụ về tính đạo đức truyền thống là vấn đề đất công ở làng, một dạng tài nguyên chung trong các thôn xóm được phân phối định kỳ cho các thành viên nghèo hơn trong làng. Sự quan tâm của đảng đối với các vấn đề nông thôn được cho là có nguồn gốc từ mối quan hệ thân thuộc giữa các nhà nho và nông dân trong xã hội thời quân chủ.
Lương Văn Hy nhận xét các đảng viên ở nông thôn có được sự tôn trọng tương đương như các nhà nho từng được nông dân kính ngưỡng. Tuy vậy, ông nói cũng chính cái truyền thống uy tín này đòi hỏi sự tôn trọng ‘tôn ti trật tự có trên có dưới’. Cái tôn tị trật tự này dành cho các quan chức, người già và đàn ông một vị trí xã hội cao. Như thế, việc cuộc cách mạng giữ lại truyền thống tôn ti trật tự này có thể giúp giải thích những chênh lệch dai dẳng trong xã hội thời hậu cách mạng.
Những di sản truyền thống này cũng giải thích vì sao sự bất bình đẳng nam nữ vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Ví dụ, phụ nữ chiếm đa số trong các nghề không đòi hỏi kỹ năng và ít hơn phái nam trong vị trí lãnh đạo. Một khảo sát của UNDP năm 2003 cho thấy khả năng vào đại học của phụ nữ kém hơn nam giới 27%. Cũng theo UNDP, 27.3% thành viên Quốc hội là phụ nữ - một tỉ lệ cao hơn so với nhiều nước trong vùng. Tuy nhiên, khi đi xuống các cơ sở, bức tranh trở nên kém lạc quan hơn. Phụ nữ chỉ chiếm khoảng 8% trong số thành viên UBND cấp tỉnh, 4.8% cấp quận huyện.
Tuy nhiên, còn có một nguồn gốc khác giải thích khuynh hướng tôn ti trật tự này, và đó là bối cảnh thuộc địa, giai đoạn trưởng thành của nhiều nhà cách mạng. Trong thập niên 1920 và 1930, toàn quyền Pháp Sarrault và Varenne mô tả người VN như các đứa con chịu sự giám hộ của nước mẹ Pháp. Trong thời kì thuộc địa, người miền Bắc và miền Trung được cai trị thông qua các định chế như triều đình phong kiến, hệ thống quan lại. Đáng chú ý là đa số các lãnh tụ cộng sản đầu tiên xuất thân từ các vùng này. Nhiều người xuất thân từ gia đình quan lại hoặc học trong các trường dùng để đào tạo nhân viên cho chính phủ thực dân.
Mặc dù đảng đã lãnh đạo lật đổ chế độ thực dân, nhưng tính chất đặc quyền và chủ nghĩa gia trưởng mà nhiều lãnh đạo thời kì sau này thể hiện, về nhiều mặt, đã lặp lại các quan hệ đẳng cấp vốn là bản chất của các định chế thời thực dân.
Phản ứng của nhà nước trước sự chênh lệch trong đời sống các dân tộc thiểu số có thể tóm tắt là một nỗ lực giúp đỡ người thiểu số về mặt vật chất và đem lại cho họ các thuộc tính văn hóa mà đã giúp cho nhóm sắc tộc chiếm đa số (người Kinh) trong việc vươn lên.
Đây cũng không phải là những biện pháp chưa từng xảy ra cho một nhà nước mà trong nhiều thế kỷ đã xem mình là một trung tâm về văn minh trong quan hệ với các sắc dân khác nhỏ hơn. Những dân tộc này triều cống cho chính quyền trung ương người Kinh, nhưng trên thực tế, do họ sống bên ngoài giới hạn kiểm soát của nhà nước, họ vẫn độc lập về văn hóa. Tuy nhiên, khi người Việt hướng về Nam và đi vào khu vực đồi núi, những dân tộc thiểu số phải đối diện với đe dọa đồng hóa. Như nhà dân tộc học Gerard Hickey chứng tỏ, trong thời kì chiến tranh Việt Nam, cả hai chính quyền ở hai miền đều theo đuổi chính sách tập trung dân số và phát triển vùng đồi núi. Sự cô lập của nhiều cộng đồng thiểu số lại tiếp tục cùng với việc di dân của người đồng bằng và sự mở rộng thị trường.
Có thể cho rằng các hình thức chênh lệch hiện nay về giai cấp, khu vực, giới tính và sắc tộc sẽ không nhất thiết phá bỏ toàn bộ ý thức hệ của nhà nước, khi mà chủ nghĩa xã hội đã trộn lẫn với chủ nghĩa quốc gia, và pha lẫn với những thành kiến về đẳng cấp, sắc tộc và vùng miền. Khi sự bất bình đẳng đe dọa sự thống nhất xã hội hoặc sự kiểm soát, nhà nước đã có phản ứng nhanh chóng. Những sức ép từ các trường hợp bất bình tại nông thôn đã khiến chính phủ, từ cuối thập niên 1990, bắt đầu thực hiện cải cách dân chủ cơ sở tại địa phương.
Một trong những chương trình xã hội rõ rệt nhất trong thời cải cách đã là sự cam kết giảm số người nghèo. Số người sống dưới chuẩn nghèo đã giảm theo thời gian và thể hiện một thành tựu vượt bậc.
Tuy nhiên cùng lúc khi số người sống dưới chuẩn nghèo giảm đi, thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng tăng lên. Việc đo lường chuẩn nghèo theo các tiêu chí như một đôla mỗi ngày không giúp nói gì nhiều về bình đẳng xã hội. Theo thống kê UNDP 2003, mặc dù số người sống nhờ một đôla mỗi ngày đã giảm chỉ còn 17.7%, nhưng gần hai phần ba dân số lại cũng sống theo mức dưới hai đôla mỗi ngày.
Cách nhà nước phản ứng trước các vấn đề bất bình đẳng cho một nhận xét là nhà nước ít quan tâm đến việc đạt tới công bằng xã hội, mà quan tâm nhiều hơn việc giảm thiểu nguy cơ cho công cuộc xây dựng một quốc gia vững mạnh, xã hội thống nhất và uy tín về ý thức hệ.
Nói ngắn gọn, có vẻ như nhà nước, trong một mức độ đáng kể, lại dung thứ cho sự phân tầng xã hội. Nếu người ta đi theo kết luận ban đầu này, thì có thể xem vấn đề chênh lệch xã hội ở VN vừa là đối tượng lại cũng là kết quả của chính sách nhà nước. Một ngụ ý khác từ kết luận này, đó là những nhãn hiệu như ‘chủ nghĩa xã hội’ không cho người ta biết gì nhiều về tình hình thật sự tại một đất nước mang nhãn hiệu ấy.
Về tác giả: Philip Taylor, nhận bằng tiến sĩ ở ĐH Quốc gia Úc (ANU) năm 1998 và hiện công tác ở trường nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương của ANU. Ông là tác giả hai quyển sách về miền Nam Việt Nam, cùng nhiều bài viết về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam.
Bài trên đây là phần trích lược chương giới thiệu tập sách "Social
Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform" do Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore xuất bản năm 2004.
...................................................................................
Du
Bất bình đẳng-đó là một đặc điểm mang tính quy luật của sự vận động trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực phát triển kinh tế. Trên đường đua tới đích phải có người về trước, kẻ tới sau. Nhưng nó có 2 loại bất bình đẳng: Bất bình đẳng công bằng và Bất bình đẳng không công bằng. Ở Việt nam thì sự phát triển kinh tế rơi vào trường hợp thứ hai.
Vấn đề của nhà nước là phải tạo ra một môi trường để các thành phần kinh tế được phát triển bình đẳng,đồng thời nắm vai trò điều tiết. Nếu nhà nước không làm được điều này thì theo tính bản năng, Xã hội sẽ tự điều tiết. Quan chức có quyền thì sẽ tìm mọi cách lột của doanh nghiệp, kẻ có sức mà bất tài lại thiếu giáo dục thì đi ăn cướp để xài.
Minh Nam, Việt Nam
VN có sự hình thành một tầng lớp mới. Đó là tập đoàn cầm quyền. Đó là những người quyền cao chức trọng. Do cơ chế Quyền đi liền với Tiền, nên họ giàu lên nhanh chóng và ngày càng xa dân, mặc dù đảng luôn luôn nói đây là tầng lớp “công bộc của dân”, hết lòng phục vụ nhân dân.
Nói cơ chế, vì những người trong sạch và liêm khiết nhất khi được đặt vào địa vị có quyền cũng sẽ bị tha hoá nhanh hay chậm. Tỷ lệ giữ được trong sach suốt đời ngày càng ít đi. Liêm khiết suốt đời bị coi là quái dị. Điều ai cũng biết : phải là đảng viên mới được giao quyền, nên khi những người này ra toà thì đảng càng mất tín nhiệm.
Từ ngữ “hạ cánh an toàn” ở VN hiện nay có nghĩa là tham ô đến khi về hưu mà thoát tội. Tỷ lệ này rất cao. Bên cạnh đó, một tầng lớp khác giàu lên nhanh chóng do làm ăn bất chính mà pháp luật không sao kiềm chế được (thậm chí tiếp tay), cũng tạo nên tâm lý mất tin tưởng vào pháp luật.
Mất công nghiên cứu sẽ đưa ra con số cụ thể, gần sự thật. Nhưng chẳng cần nghiên cứu cũng biết chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng lớn ở VN. Tôi biết điều này khi quan sát bữa tiệc của quan chức so với bữa cỗ của họ hàng tôi ở quê.